Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Kết luận mới của luận án

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ NHỮNG KẾT LUẬN MỚI
CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ

Tên đề tài: Nghiên cứu sử dụng bền vững đất nông nghiệp vùng gò đồi tỉnh Thái Nguyên
Chuyên ngành: Đất và Dinh dưỡng cây trồng
Mã số: 62 62 15 01
Nghiên cứu sinh: Dương Thành Nam
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Văn Toàn và PGS. TS. Trần Văn Chính
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Những kết luận mới của luận án:
1. Xây dựng được bảng phân loại đất và bản đồ đất tỉ lệ 1/100.000 cho vùng gò đồi Thái Nguyên theo phương pháp phân loại đất định lượng FAO-UNESCO-WRB. Qua đó đã xác định được vùng gò đồi Thái Nguyên có 5 nhóm đất chính, 10 đơn vị đất và 13 đơn vị đất phụ. Trong đó nhóm đất xám có diện tích lớn nhất 133.683 ha, chiếm 78,0% và nhóm đất nhân tác có diện tích nhỏ nhất 1.085 ha, chiếm 0,6% tổng DTTN vùng gò đồi. Đáng kể nhất là tình trạng kết von phân bố ở vùng gò đồi ven rìa các đồng bằng với diện tích 111.122 ha, chiếm 65,2% DTTN vùng gò đồi.
2. Hiệu quả kinh tế của các loại hình sử dụng đất (LUT) vùng gò đồi Thái Nguyên rất khác nhau, phụ thuộc vào loại cây trồng, cơ cấu luân canh và mức độ thâm canh của từng hộ gia đình. Trong các LUT trồng cây lâu năm như chè (36,6 triệu đồng/ha/năm), cây ăn quả (33,1 triệu đồng/ha/năm) cho hiệu quả kinh tế cao nhất, tiếp đến là các loại cây hàng năm và thấp nhất trồng rừng nguyên liệu (4,9 - 5,3 triệu đồng/ha/năm).
3. Ứng dụng phương pháp đánh giá đất theo FAO để sử dụng bền vững đất nông nghiệp vùng gò đồi Thái Nguyên trên cơ sở xây dựng bản đồ đơn vị đất đai, bản đồ phân hạng mức độ thích hợp đất đai và bản đồ đề xuất sử dụng đất. Qua đó đã xác định được vùng gò đồi Thái Nguyên có 169 đơn vị đất đai trong đó đơn vị có diện tích lớn nhất là 17.076 ha, đơn vị có diện tích nhỏ nhất là 7 ha. Diện tích đất rất thích hợp với các cây lâu năm (chè, vải và cây có múi) chiếm tỷ lệ rất thấp (3,3%). Trong khi đó với các loại cây hàng năm (lúa, màu và đồng cỏ) không có diện tích đất rất thích hợp mà phần lớn ở mức thích hợp (S2) chiếm 30,5% diện tích đánh giá. Mức ít thích hợp (S3) chiếm 29,0%, không thích hợp (N) chiếm 38,9% diện tích đánh giá.
4. Nghiên cứu đã đề xuất sử dụng những vùng đất kết von còn bỏ hoá hoặc trồng rừng kinh doanh hiệu quả thấp chuyển sang trồng cỏ bằng giống cỏ Varisne số 6 (VA06) phục vụ định hướng phát triển đàn gia súc theo chủ trương của tỉnh. So với cỏ voi, VA06 sinh trưởng và phát triển nhanh, năng suất trung bình năm thứ nhất đạt 475 tấn/ha/năm (7 lứa cắt), giá trị dinh dưỡng về hàm lượng protein và chất khoáng tổng số cao. Tổng thu nhập đạt 95,0 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2,6 lần so với 1 ha trồng 2 vụ lúa mà chỉ sử dụng đất xấu không thích hợp với việc trồng lúa.

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2010
TM. Người hướng dẫn khoa học

TS. Nguyễn Văn Toàn


Nghiên cứu sinh

Dương Thành Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét