Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Tổng hợp ý kiến nhận xét LATS

TỔNG HỢP Ý KIẾN

NHẬN XÉT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP

Họ và tên NCS: Dương Thành Nam

Tên đề tài luận án: “Nghiên cứu sử dụng bền vững đất nông nghiệp vùng gò đồi tỉnh Thái Nguyên”

Chuyên ngành: Đất và dinh dưỡng cây trồng Mã số: 62 62 15 01

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Toàn

PGS. TS. Trần Văn Chính

Cơ quan đào tạo: Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội

Tính đến ngày 17 tháng 01 năm 2011 Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ của NCS Dương Thành Nam đã nhận được đủ 07 bản nhận xét của các thành viên Hội đồng, đồng thời Hội đồng cũng đã nhận được 14 bản nhận xét tóm tắt luận án từ các nhà khoa học và 8 bản nhận xét của 8 cơ quan.

DANH SÁCH CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG

( Đã đọc luận án chính và bản tóm tắt luận án)

STT

Họ và tên

Đơn vị công tác

Trách nhiệm

1

PGS. TS. Nguyễn Xuân Thành

Đại học Nông Nghiệp Hà Nội

Chủ tịch

2

GS. TS. Nguyễn Thế Đặng

Đại học Thái Nguyên

Phản biện 1

3

PGS. TS. Lê Quốc Doanh

Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp miền núi phía Bắc

Phản biện 2

4

PGS. TS. Hồ Quang Đức

Viện Thổ Nhưỡng Nông Hóa

Phản biện 3

5

PGS. TS. Nguyễn Hữu Thành

Đại học Nông Nghiệp Hà Nội

Thư ký

6

PGS. TS. Đào Châu Thu

Hội Khoa Học Đất

Ủy viên

7

TS. Bùi Huy Hiền

Tạp chí Nông Nghiệp và PTNT

Ủy viên


DANH SÁCH CÁC NHÀ KHOA HỌC

(đã đọc và gửi nhận xét cho bản tóm tắt luận án)

STT

Họ và tên

Đơn vị công tác

1

GS. TS. Đỗ Ánh

Hội Khoa Học Đất

2

PGS. TS. Lê Thái Bạt

Hội Khoa Học Đất

3

PGS. TS. Phạm Quang Hà

Viện Môi Trường Nông Nghiệp

4

PGS. TSKH Nguyễn Xuân Hải

ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG Hà Nội

5

PGS. TS. Trần Khắc Hiệp

ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG Hà Nội

6

GS. TS. Lê Văn Khoa

ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG Hà Nội

7

TS. Lê Như Kiểu

Viện Thổ Nhưỡng Nông Hóa

8

TS. Nguyễn Võ Linh

Viện Quy Hoạch và TKNN

9

PGS. TS. Đặng Văn Minh

Đại học Nông Lâm Thái Nguyên

10

TS. Hoàng Thị Minh

Viện Thổ Nhưỡng Nông Hóa

11

TS. Nguyễn Ngọc Minh

ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG Hà Nội

12

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Nông

Đại học Nông Lâm Thái Nguyên

13

TS. Hoàng Xuân Phương

Viện Quy Hoạch và TKNN

14

GS. TS. Vũ Hữu Yêm

Hội Khoa Học Đất

Chín cơ quan đã đọc và có nhận xét bản tóm tắt luận án:

+ Hội Khoa Học Đất Việt Nam

+ Đại học Nông Lâm, Đai học Thái Nguyên

+ Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Thái Nguyên

+ Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Thái Nguyên

+ Trung tâm Đánh Giá Đất, Trung tâm Điều Tra Đánh Giá Tài Nguyên Đất, Tổng cục Quản Lý Đất Đai.

+ Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam

+ Viện Môi Trường Nông Nghiệp

+ Viện Quy Hoạch và Thiết Kế Nông Nghiệp

+ Viện Thổ Nhưỡng Nông Hóa

Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ và NCS xin được chân thành cảm ơn các thành viên hội đồng, các nhà khoa học, các cơ quan khoa học đã dành thời gian đọc, đánh giá luận án của NCS Dương Thành Nam một cách sâu sắc và có ý nghĩa giúp nghiên cứu sinh có được những bài học quý báu trong công tác sau khi nhận học vị tiến sĩ.

Luận án dài 141 trang (không kể phần Tài liệu tham khảo và Phụ lục), 50 bảng số liệu, 10 hình minh họa về: Phương pháp phân loại đất, Tiến trình đánh giá đất theo FAO kết hợp ứng dụng GIS và ALES, Diễn biến các yếu tố khí hậu đặc trưng của Thái Nguyên giai đoạn 1995-2008, Sơ đồ phân loại đất vung gò đồi Thái Nguyên theo FAO-UNESCO-WRB, Đồ thị tương quan giữa hàm lượng chất hữu cơ với đạm tổng số, Cơ cấu sử dụng đất, các Sơ đồ hiện trạng sử dụng đất, phân hạng thích hợp và đề xuất sử dụng đất vùng gò đồi Thái Nguyên và Đề xuất chu chuyển đất nông nghiệp vùng gò đồi Thái Nguyên. Ngoài ra còn có một số hình ảnh về cảnh quan và lat cắt phẫu diện của các đất nghiên cứu.

Phần phụ lục gồm có Phiếu điều tra nông hộ vùng gò đồi Thái Nguyên, bảng số liệu về khí hậu thời tiết giai đoạn 1995-2008 của Thái Nguyên, Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai, bảng số liệu về năng suất một số cây hàng năm chính vùng gò đồi Thái Nguyên, số liệu một số chỉ tiêu độ dốc, tầng dầy, tính chất lý, hóa học của các nhóm đất chính vùng gò đồi Thái Nguyên và thang đánh giá, Yêu cầu sinh thái của một số loại cây trồng chính phục vụ đánh giá mức độ thích hợp đất đai, Đặc điểm của các đơn vị đất đai, Bảng tổng hợp các kiểu thích hợp đất đai, Đề xuất chuyển đổi đất nông nghiệp vùng gò đồi Thái Nguyên đến năm 2020. Ngoài ra ở phần phụ lục còn có kết quả xử lý thống kê và một số hình ảnh triển khai thí nghiệm đồng ruộng, nơi NCS thực hiện đề tài luận án.

Tác giả luận án đã tham khảo 140 tài liệu, trong đó có 117 tài liệu tiếng Việt, 23 tài liệu tiếng Anh. Đã công bố 03 công trình khoa học có liên quan đến nội dung luận án.

Kết cấu luận án gồm các phần:

Phần mở đầu: 03 trang

Chương 1. Tổng quan tài liệu: 34 trang

Chương 2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu: 11 trang

Chương 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận: 91 trang

Kết luận và đề nghị: 3 trang

Hội đồng xin được tập hợp tất cả các ý kiến của 04 thành viên hội đồng, 14 bản nhận tóm tắt luận án của 14 nhà khoa học và 09 cơ quan khoa học. Nhận xét của 03 phản biện được đọc trực tiếp trong buổi bảo vệ.

1. Tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

Tất cả các nhận xét đếu nhất trí NCS chọn đề tài luận án là đúng hướng và rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp nói chung và đặc biệt cho sự phát triển nông nghiệp vùng gò đồi, nhằm vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa bảo vệ độ phì nhiêu của đất. Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

Đất vùng gò đồi của Thái Nguyên với diện tích 170.491 ha, chiếm 48,24% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp như đất đã được khai thác sử dụng cho mục đích nông nghiệp từ lâu đời và hiện đang là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của vùng miền núi phía Bắc, người dân có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, rất thuận tiện trong giao lưu hàng hóa, ... Tuy nhiên, do đất gò đồi của Thái Nguyên phân bố ở độ cao tuyệt đối từ 25 đến 300 m so với mực nước biển, địa hình dốc thoải, lượn sóng, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, mưa nhiều lại phân bố không đều trong năm, trong điều kiện canh tác hiện nay, làm cho đất dễ bị thoái hóa, làm giảm khả năng sản xuất của đất. Hơn nữa các công trình, tài liệu nghiên cứu cơ bản về đất vùng gò đồi này còn tản mạn, không hệ thống, không đủ cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp sử dụng đất bền vững.

Vì vậy việc nghiên cứu một cách hệ thống các đặc điểm của đất vùng gò đồi, phát hiện điểm hạn chế của đất để đưa ra biện pháp sử dụng, cải tạo đất phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp nước ta trong điều kiện đất chật người đông và diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp hiện nay.

Kết quả nghiên cứu của tác giả đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay nói chung và vùng gò đồi tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Về mặt khoa học: Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần bổ sung, làm phong phú thêm cơ sở khoa học cho việc sử dụng bền vững đất nông nghiệp vùng gò đồi (TS. Bùi Huy Hiền, Hội Khoa Học Đất Việt Nam, TS. Lê Như Kiểu, TS. Hoàng Thị Minh, PGS.TS. Nguyễn Hữu Thành, PGS.TS. Đào Châu Thu, TS. Trần Đức Toàn, GS.TS. Vũ Hữu Yêm và Trung Tâm và Trung Tâm Đánh Giá Đất, Tổng Cục Quản Lý Đất Đai, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường).

Các kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học phục vụ cho công tác quy hoạch sử dụng đất vùng đồi núi nói chung và vùng gò đồi nói riêng (PGS.TS. Nguyễn Hữu Thành, PGS.TS. Đào Châu Thu) và đây cũng là những nhận xét của Hội Khoa Học Đất Việt Nam, Viện Thổ Nhưỡng Nông Hóa, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Thái Nguyên, …

Về ý nghĩa thực tiễn: Các kết quả nghiên cứu của luận án là tư liệu tham khảo cần thiết cho công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng bền vững đất gò đồi của tỉnh Thái Nguyên. Đây là nhận xét của Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Sở Nông Nghiệp Thái Nguyên, Viện Thổ Nhưỡng Nông Hóa và các nhà khoa học: GS. TSKH Nguyễn Xuân Hải, GS. TS. Lê Văn Khoa, TS. Nguyễn Võ Linh, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Nông, GS. TS. Vũ Hữu Yêm và nhiều nhà khoa học khác.

Như vậy, tất cả các nhận xét đều nhất trí rằng NCS. Dương Thành Nam đã chọn đề tài luận án rất đúng hướng, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết hiện nay đồng thời có các kết quả nghiên cứu của luận án có ý nghĩa khoa học, thực tiễn sâu sắc.

2. Sự không trùng lặp của đề tài so với các công trình đã công bố

Đã có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về đất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, nhưng hướng nghiên cứu sử dụng bền vững đất nông nghiệp vùng gò đồi của Thái Nguyên chưa có một tác giả nào thực hiện.

Đề tài luận án của tác giả Dương Thành Nam là công trình nghiên cứu một cách tỷ mỉ đầu tiên về sử dụng bền vững đất nông nghiệp vùng gò đồi của tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất và nghiên cứu thực nghiệm một số mô hình sử dụng đất bền vững.

Công trình nghiên cứu của tác giả không trùng lặp với các kết quả nghiên cứu đã công bố về đất đồi núi Thái Nguyên trước đó. Các tài liệu trích dẫn phù hợp với nội dung chuyên môn, rõ ràng, đầy đủ (TS. Bùi Huy Hiền, TS. Nguyễn Võ Linh, TS. PGS. TS. Nguyễn Hữu Thành, PGS. TS. Nguyễn Xuân Thành, PGS. TS. Đào Châu Thu).

3. Độ tin cậy và tính hiện đại của các phương pháp nghiên cứu

Hầu hết các nhận xét đều khẳng định: Các phương pháp nghiên cứu được NCS sử dụng để thực hiện các nội dung của đề tài luận án là các phương pháp phổ biến được sử dụng trong nghiên cứu của các ngành Đất và Dinh Dưỡng Cây Trồng và Quy Hoạch Sử Dụng Đất, các thí nghiệm đồng ruộng được bố trí bài bản, kết quả được phân tích, xử lý thống kê bằng phần mềm Excel và IRRISTAT đảm bảo độ tin cậy cho các kết quả nghiên cứu.

4. Những kết quả nghiên cứu đã đạt được

Nhiều nhận xét cho rằng luận án của NCS đã đạt được các kết quả chính sau:

+ Xác định được nguồn tài nguyên đất của vùng gò đồi Thái Nguyên: Đất vùng gò đồi Thái Nguyên được chia thành 5 nhóm đất, 10 đơn vị đất và 13 đơn vị phụ đất, trong đó nhóm đất xám có diện tích lớn nhất (133.683 ha, chiếm 78,4% diện tích gò đồi Thái Nguyên), đặc biệt là đất xám kết von chiếm diện tích lớn nhất trong nhóm đất này (111.122 ha, chiếm 65,2% diện tích gò đồi Thái Nguyên).

+ Xác định những tính chất đặc trưng của đất gò đồi Thái Nguyên.

+ Đã tiến hành đánh giá thích hợp đất đai vùng gò đồi Thái Nguyên trên cơ sở xây dựng bản đồ đơn vị đất đai và các yêu cầu sử dụng đất của các loại hình sử dụng đất.

+ Xác định được tiểm năng đất nông nghiệp vùng gò đồi của tỉnh Thái Nguyên.

+ Đánh giá được tác động của các loại hình sử dụng đất lựa chọn (dự kiến đưa vào khai thác) đến tính chất của đất.

+ Nghiên cứu mô hình thực nghiệm về giữ ẩm đất và sử dụng đất kết von bỏ hóa (GS. TS. Đỗ Ánh, TS. Bùi Huy Hiền, PGS. TS. Trần Khắc Hiệp, TS. Lê Như Kiểu, TS. Nguyễn Ngọc Minh, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Nông, PGS.TS. Nguyễn Hữu Thành, PGS. TS. Đào Châu Thu, GS. TS. Vũ Hữu Yêm, …).

5. Đóng góp mới của tác giả luận án

Theo các nhà khoa học, luận án của NCS Dương Thành Nam là một công trình nghiên cứu tỷ mỉ, toàn diện, có hệ thống, là cơ sở khoa học cho sử dụng bền vững đất nông nghiệp vùng gò đồi của tỉnh Thái Nguyên. Điểm mới nổi bật của đề tài luận án là:

+ Hoàn chỉnh phân loại đất vùng gò đồi của Thái Nguyên theo phân loại đất theo FAO-UNESSCO-WRB phục vụ đánh giá đất, xác định tiềm năng đất.

+ Áp dụng đánh giá đất theo FAO để xác định các loại sử dụng đất thích hợp theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững cho vùng gò đồi của Thái Nguyên.

+ Thực nghiệm biện pháp giữ ẩm và thí nghiệm trồng cỏ VA06 trên đất xám kết von là một trong những cơ sở khoa học quan trọng để đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.

(PGS. TS. Lê Thái Bạt, PGS.TSKH. Nguyễn Xuân Hải, TS. Bùi Huy Hiền, TS. Lê Như Kiểu, TS. Nguyễn Võ Linh, PGS. TS. Đặng Văn Minh, TS. Hoàng Thị Minh, TS. Nguyễn Ngọc Minh, TS. Hoàng Xuân Phương, PGS.TS. Nguyễn Hữu Thành, PGS.TS. Đào Châu Thu và các nhà khoa học khác).

6. Một số vấn đề cần thảo luận

Tất cả các nhận xét đều cho rằng luận án của NCS Dương Thành Nam không có khiếm khuyết lớn. Tuy nhiên, còn tồn tại một số thiếu sót và những thiếu này không làm ảnh hưởng tới chất lượng của luận án và có thể sửa chữa được:

Về nội dung

+ Theo PGS. TS. Đặng Văn Minh để có bực tranh toàn cảnh về đất gò đồi ở tỉnh Thái Nguyên, NCS cần phân tích sâu hơn về các yếu tố sinh thái tác động đến đất gò đồi.

+ Bảng 3.22. Phân cấp yếu tố, chỉ tiêu phục vụ xây dựng bản đồ đơn vị đất đai vùng gò đồi Thái Nguyên, nếu tác giả đưa thêm yếu tố nguy cơ kết von, đá ong hóa và phân cấp mức độ kết von, đá ong, vì tác động có hại của hiện tượng này đối với sử dụng đất vùng gò đồi nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Hơn nữa, đơn vị đất xám kết von có diện tích lớn nhất trong nguồn tài nguyên đất của vùng nghiên cứu, nhưng ít được đề cập tới (PGS.TS. Đào Châu Thu)

+ Số liệu về BS ở bảng 3.3 trang 57 không trùng với số liệu BS ở phụ lục 14 (TS. Bùi Huy Hiền, PGS. TS. Nguyễn Hữu Thành).

+ Ở trang 117, mục 3.5.3. Ảnh hưởng của các loại hình sử dụng đất đến phân bố vi sinh vật đất, cũng như bảng 3.5.7 cần làm rõ tại sao trong tổng số vi sinh vật đất chỉ có ba nhóm vi sinh vật: Vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm mà không có nhóm vi rút?.

+ Theo PGS. TS. Lê Thái Bạt Các đặc điểm của đất trong mối quan hệ với các loại hình sử dụng đất và sử dụng đất bền vững nếu được hệ thống, tổng hợp, khái quát hóa (có tính quy luật) cao hơn thì các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ thuyết phục hơn và hấp dẫn hơn.

+ Theo PGS. TSKH. Nguyễn Xuân Hải phần đề xuất giải pháp sử dụng bền vững đất nông nghiệp vùng gò đồi của tỉnh Thái Nguyên còn chưa rõ nét và đặc trưng.

Về hình thức

Trong các bản nhận xét của bốn thành viên còn lại của hội đồng (trừ 3 nhận xét của phản biện), nhận xét của các nhà khoa học khác và nhận xét của chín cơ quan gửi về viện Đào Tạo Sau Đại Học không phát hiện các hạn chế về hình thức của luận án.

Một số câu hỏi:

Ngoài những câu hỏi của ba phản biện, một số nhà khoa học đã đặt các câu hỏi sau:

NCS nghĩ gì về việc sử dụng đất kết von ở vùng gò đồi Thái Nguyên, biện pháp hạn chế và phục hồi tình trạng kết von đá ong hóa khi sử dụng đất ở vùng gò đồi? (PGS. TS. Nguyễn Hữu Thành).

NCS có kiến nghị gì nếu phải nghiên cứu tiếp theo lĩnh vực này (PGS. TS. Phạm Quang Hà).

Cơ sở nào mà tác giả lại chọn hai thí nghiệm: giữ ẩm cho chè và trồng cỏ VA06 cho việc sử dụng đất gò đồi ở Thái Nguyên? Việc bố trí hai thí nghiệm này có phải là vấn đề mới và cần thiết nhất đối với đất gò đồi Thái Nguyên không?.

7. Đánh giá chung

Tất cả các nhận xét đều thống nhất công trình nghiên cứu của NCS Dương Thành Nam là công trình nghiên cứu độc lập, công phu và nghiêm túc, đảm bảo độ tin cậy. Các kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của tác giả có ý nghĩa quan trọng trong sử dụng hiệu quả đất gò đồi để phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, các kết quả của luận án cũng có giá trị tham khảo đối với các nhà nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực đất và dinh dưỡng cây trồng, quy hoạch sử dụng đất. Các kết luận phù hợp với nội dung luận án và đảm bảo mục tiêu nghiên cứu.

Tất cả các ý kiến đều nhất trí đề nghị cho NCS Dương Thành Nam được bảo vệ đề tài luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp trường để nhận học vị tiến sỹ nông nghiệp.

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2011

Chủ tịch Hội đồng Thư kí Hội đồng

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành PGS.TS. Nguyễn Hữu Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét